Ngọc Quan được thành lập 05/10/1948, là một xã miền núi có diện tích tự nhiên là: 1420,28 ha, xã được chia thành12 khu hành chính, trong đó có 01 khu là đồng bào dân tộc (chủ yếu là dân tộc Cao Lan chiếm trên 90%).

Ranh giới hành chính của xã được xác định: phía Bắc giáp xã Phú Lâm, phía Nam giáp xã Yên Kiện và Sóc Đăng, phía Đông giáp Thị trấn Đoan Hùng, phía Tây giáp xã Ca Đình và Tây Cốc của huyện Đoan Hùng.

Ngọc Quan có mangj lưới giao thông khá thuận tiện: Có đường Quốc lộ 70 chạy qua với tổng chiều dài khoảng 2,5 km, giáp với Thị trấn là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện Đoan Hùng và Tây Cốc là thị tứ phát triển, đây là điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu về mọi mặt và trao đổi hàng hóa với các xã.

Là xã có bề dày truyền thống yêu nước và cách mạng, truyền thống đó được phát huy cao độ trong sản xuất, chiến đấu. Các thế hệ nhân dân Ngọc Quan đã phát huy truyền thống yêu nước, cần cù lao động, tích cực xây dựng quê hương, kiên cường đấu tranh chống lại thiên tai và chống kẻ thù xâm lược.

Sau hơn 30 năm thực hiện sự nghiệp đổi mới của Đảng, từ một xã miền núi nghèo, kinh tế chậm phát triển, đến nay kinh tế – xã hội của xã đã có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Ngọc Quan là một trong những xã đi đầu của huyện Đoan Hùng về phát triển kinh tế đồi rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, với tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 100% đất lâm nghiệp. Bên cạnh đó, các ngành nghề có thế mạnh trên địa bàn xã cũng đang được duy trì và phát triển tốt như: Sản xuất chế biến gỗ, chế biến chè, ươm cây giống, sơ chế lá diễn… Thu nhập đầu người ở mức cao hơn bình quân chung của huyện.

Ngọc Quan tích cực thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển CN-TTCN và dịch vụ. Chương trình xây dựng nông thôn mới được chỉ đạo quyết liệt, đến năm 2019, xã Ngọc Quan được Công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Đi đôi với phát triển kinh tế, phát triển văn hóa xã hội có bước tiến vững chắc. Sự nghiệp giáo dục – đào tạo tiếp tục được củng cố. Chất lượng dạy và học được giữ vững, các phong trào thi đua, các cuộc vận động được thực hiện có hiệu quả. Quy mô trường, lớp ổn định và phát triển; cơ sở vật chất trường, lớp học được tăng cường, đến nay có 3/3 trường học đạt chuẩn quốc gia. Trạm y tế tiếp tục được đầu tư mở rộng, duy trì chuẩn; cơ sở, trang thiết bị y tế từng bước được trang bị, trạm đã đạt trạm chuẩn y tế quốc gia . Công tác y tế dự phòng tiếp tục được tổ chức thực hiện có hiệu quả.

Các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở được tăng cường hơn. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được củng cố vững chắc, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện. Bộ mặt nông thôn Ngọc Quan có nhiều khởi sắc hơn, khối đoàn kết trong nhân dân, sự đồng thuận trong xã hội ngày càng được tăng cường.

Nhân dân sống chủ yếu bằng nghề sản xuất nông – lâm nghiệp và đây cũng chính là nguồn thu nhập chính của địa phương. Ngoài ra, ngành sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nghề thương mại – dịch vụ đang dần dần phát triển với tốc độ khá đã tạo ra tốc độ tăng trưởng kinh tế và góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương theo hướng tích cực.

Đời sống văn hoá – xã hội của nhân dân trên địa bàn đã có nhiều bước phát triển khá so với những năm trước đây, phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới – đô thị văn minh” được đẩy mạnh. Tình hình an ninh chính trị, an ninh nông thôn ổn định, trật tự an toàn xã hội giữ vững. Đảng bộ và chính quyền có truyền thống đoàn kết, thống nhất, nhân dân tin tưởng vào chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, quy chế dân chủ được ban hành là phù hợp với nguyện vọng của đông đảo cán bộ, Đảng viên và nhân dân từ đó tình hình thực hiện Pháp lệnh dân chủ được duy trì với những việc làm thiết thực, hiệu quả, tạo động lực phát huy dân chủ trong đảng và nhân dân các dân tộc trong xã Ngọc Quan.

Ngọc Quan có tiềm năng về tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn. Người dân Ngọc Quan luôn trong mình niềm tự hào về một di tích lịch sử văn hóa được xếp hàng cấp tỉnh vào năm 1994. Đó là Đình Làng Ngọc Tân được xây dựng từ năm 1803 dưới triều vua Gia Long năm thứ 2. Đình thờ Tam vị Đại Vương thời Hùng Vương thứ 18 là Cao Sơn, Cao Đại, Cao Đài – những danh tướng đã có công giúp Vua Hùng dẹp giặc giữ nước và được người dân Ngọc Tân tôn làm thành hoàng làng. Tại đình hiện lưu giữ nhiều hiện vật quý, trong đó có 1 cuốn Ngọc phả bằng chữ Hán và bốn đạo sắc phong từ thời Nguyễn. Với những di sản văn hóa để lại, Đình làng Ngọc Tân có vị thế văn hóa tâm linh rất quan trọng là nơi gặp gỡ, gắn bó, cố kết cộng đồng trong đời sống kinh tế, văn hóa – xã hội của đồng bào dân tộc Cao Lan ở Ngọc Tân cũng như các huyện lân cận của tỉnh Yên Bái, Tuyên Quang.

Với nhiều thế mạnh và tiềm năng phát triển, Ngọc Quan phấn đấu đến năm 2025 xây dựng xã Ngọc Quan phát triển toàn diện, tập trung lãnh đạo triển khai thực hiện có hiệu quả 2 khâu đột phá: Đẩy mạnh cải cách hành chính trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, kỷ cương, gương mẫu. Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.