Vệ sinh an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025

Để có một cái Tết an toàn, khỏe mạnh và vui vẻ, ngoài sự nỗ lực của các cơ quan chức năng trong việc kiểm soát hàng giả, hàng kém chất lượng, mỗi người cần trang bị kiến thức và kỹ năng để trở thành “người tiêu dùng thông thái”.

Lưu ý khi mua sắm thực phẩm

  1. Lựa chọn thực phẩm an toàn: Chọn sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, nhãn mác đầy đủ, hạn sử dụng đúng quy định và bày bán ở nơi hợp vệ sinh.
  2. Mua sắm thông minh: Không tích trữ quá nhiều thực phẩm để tránh hư hỏng và lãng phí. Chỉ chuẩn bị đủ dùng trong 2-3 ngày.

10 nguyên tắc vàng về vệ sinh an toàn thực phẩm

  1. Chọn thực phẩm sạch: Rau, quả cần ngâm, rửa kỹ; trái cây nên rửa sạch và gọt vỏ.
  2. Nấu chín kỹ thức ăn: Đảm bảo thức ăn được nấu chín hoàn toàn.
  3. Ăn ngay sau khi nấu: Tránh để thức ăn lâu vì dễ nhiễm khuẩn.
  4. Bảo quản thức ăn đúng cách: Giữ nóng trên 60°C hoặc lạnh dưới 10°C nếu để lâu hơn 5 giờ. Không dùng lại thức ăn cho trẻ nhỏ.
  5. Hâm nóng kỹ thức ăn: Thức ăn chín để quá 5 giờ phải được đun lại kỹ.
  6. Tránh nhiễm khuẩn chéo: Không để thức ăn sống tiếp xúc với thức ăn chín.
  7. Rửa tay sạch: Rửa tay trước khi chế biến và ăn. Nếu có vết thương, phải băng kín.
  8. Giữ sạch bề mặt chế biến: Rửa và vệ sinh dụng cụ, bề mặt thường xuyên.
  9. Che đậy thực phẩm: Bảo quản thực phẩm trong hộp kín, tủ lạnh, hoặc lồng bàn.
  10. Sử dụng nước sạch: Đảm bảo nước không màu, không mùi lạ, không mầm bệnh; đun sôi trước khi sử dụng.

Ăn uống hợp lý ngày Tết

  • Ăn vừa đủ, đúng giờ, tránh ăn quá nhiều món giàu năng lượng.
  • Hạn chế cho trẻ dùng nhiều nước ngọt, bánh kẹo để không bỏ bữa chính, tránh ảnh hưởng đến dinh dưỡng sau Tết.

Hãy cùng thực hiện để đón Tết an lành và giữ sức khỏe cho cả gia đình!